Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN NÓI CHUNG VÀ QUẢ VẢI NÓI RIÊNG CỦA TRUNG QUỐC 

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể
THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN NÓI CHUNG VÀ QUẢ VẢI NÓI RIÊNG CỦA TRUNG QUỐC

1. Xu hướng tiêu dùng

 

Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...

Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Nên, có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.

2. Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu

Những năm gần đây, ngành hoa quả của Trung Quốc, bao gồm trồng trọt và gia công chế biến hoa quả… có sự phát triển mạnh mẽ, giá trị xuất nhập khẩu hoa quả tăng trưởng liên tục. Ngành hoa quả của Trung Quốc được dự báo sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với tốc độ nhanh chóng.

Về diện tích trồng hoa quả, Trung Quốc nhiều năm liền là quốc gia có diện tích và sản lượng hoa quả lớn nhất thế giới. Trồng trọt và hoa quả là lĩnh vực nông nghiệp lớn thứ 3 tại Trung Quốc sau lĩnh vực lương thực và rau xanh. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2015, tổng diện tích trồng hoa quả của Trung Quốc đạt gần 15,4 triệu ha, chủ yếu phân bố tại 04 địa phương gồm tỉnh Thiểm Tây, Quảng Tây, Quảng Đông và Hà Bắc.

Về sản lượng, lượng hoa quả sản xuất hàng năm tại Trung Quốc cũng tiếp tục tăng trưởng.

Vải được trồng nhiều ở các tỉnh vùng phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, diện tích trồng vải của Trung Quốc năm 2014 đạt 852,31 vạn mẫu (tương đương 340,924 vạn ha), tăng 2,94% so với năm 2013 và có xu hướng tăng lên theo thời gian. Đến nay, diện tích trồng vải của Trung Quốc đạt khoảng 886.82 vạn mẫu (tương đương 354.728 vạn ha).

Mùa vụ thu hoạch vải của Trung Quốc bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8; trong đó chính vụ với 70% lượng vải tươi được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7 (thời gian thu hoạch không lệch quá nhiều so với vải thiều Việt Nam).

Về xuất nhập khẩu hoa quả, hiện Trung Quốc cho phép nhập khẩu hoa quả từ 43 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó Việt Nam có 8 loại hoa quả được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc gồm vải thiều, nhãn, dưa hấu, thanh long, chuối, chôm chôm, mít và xoài.

Về tình hình xuất khẩu quả vải, hiện nay Trung Quốc xuất chủ yếu là vải đóng hộp đi các nước Malaysia, Mỹ... và số ít vải tươi được xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, EU, và các nước Đông Nam Á... Theo số liệu thống kê của Trung Quốc3, kim ngạch xuất khẩu vải đóng hộp (mã HS 20089910) hàng năm của Trung Quốc đạt khoảng 36-43 triệu USD.

Xuất khẩu vải của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm cả vải tươi (chiếm trên 90%) và vải sấy khô. Xuất khẩu vải tươi chủ yếu qua kênh thương nhân Trung Quốc thu mua vải tại các tỉnh trồng vải chính thông qua đại lý người Việt, khoán thù lao theo kết quả công việc, có sự giám sát thường xuyên của thương nhân Trung Quốc. Xuất khẩu vải sấy khô được tiến hành theo 2 phương thức: (1) sấy và bán ngay và (2) sấy, bảo quản 2-3 tháng mới bán. Với phương thức sấy và bán ngay, sau khi sấy vải xong (khoảng 2,8 kg vải tươi/1 kg vải khô), đơn vị sản xuất, chế biến vận chuyển lên Đồng Đăng bán cho thương nhân Trung Quốc. Theo phương thức sấy và bảo quản 2 -3 tháng mới bán, mức sấy khô kiệt hơn, khoảng 3,2 -3,5 kg vải tươi/1 kg khô, đơn vị sản xuất, chế biến cũng bán cho thương nhân Trung Quốc.

3. Nhu cầu tiêu dùng đối với quả vải tại thị trường Trung Quốc

Vải là một trong những loại quả phổ biến và được ưa chuộng tại Trung Quốc, bên cạnh táo, quýt, nho và đào. Trong lịch sử, vải thuộc vùng phía Nam Trung Quốc luôn được lựa chọn là một trong những vật “cống phẩm” hàng đầu cho các vua chúa phương Bắc bởi vị ngon ngọt.

Nhu cầu sử dụng vải tươi tại Trung Quốc được dùng làm thức ăn tráng miệng và một phần được sấy khô làm mứt, bánh kẹo, vị thuốc, nước ép giải khát và lên men ủ rượu.

Sản lượng vải tươi của Trung Quốc hàng năm đạt khoảng 1,55 triệu tấn, chiếm khoảng trên 50% tổng sản lượng vải thiều thế giới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa với gần 1,4 tỷ người. Theo số liệu của Hiệp hội vải thiều Quảng Đông, 99% lượng vải tươi của Trung Quốc được bán tại nội địa và chỉ khoảng 1% vải tươi được xuất khẩu, trong đó, 65% được xuất khẩu từ Quảng Đông, 30% lượng này từ Hải Nam.

Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng xuất khẩu vải của Việt Nam sang Trung Quốc khá ổn định về lượng trong nhiều năm qua. Vải của Việt Nam không những được tiêu dùng của cư dân vùng biên giới mà đã vào sâu trong các tỉnh Vân Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên (theo đường Lao Cai đi Hà Khẩu); Quảng Tây, Nam Ninh, Phúc Kiến, Thượng Hải, Bắc Kinh (theo đường Lạng Sơn).

4. Chuỗi cung ứng vải của Việt Nam sang Trung Quốc

Trong chuỗi cung ứng vải xuất khẩu sang Trung Quốc, ngoài doanh nghiệp, đại lý cung ứng vật tư đầu vào, mỗi chuỗi cung ứng đều gồm bốn tác nhân chính tham gia và thường không có sự phân định rõ các tác nhân tham gia vào từng chuỗi cung ứng.

Nông dân, hộ gia đình, trang trại hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất vải. Tại một số địa phương, người dân đã liên kết hình thành nên những hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong việc chọn giống, cung ứng đầu vào, trồng, chăm sóc, tập huấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Thương lái/thu mua, giữ vai trò chủ đạo trong việc thu gom sản phẩm vải cho các thương nhân xuất khẩu. Hệ thống thương lái/thu mua đa dạng (có thể là thương lái/thu mua Trung Quốc hoặc Việt Nam) và hình thành do nhu cầu của thị trường. Trên địa bàn các huyện, xã trồng vải có nhiều tụ điểm mua bán vải tươi, tại mỗi tụ điểm có nhiều đại lý thu mua. Các đại lý thu mua thường là những chủ nhà có diện tích mặt bằng ven đường đủ rộng (250 -300 m2) cho thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân Trung Quốc thuê để thu mua vải, được hưởng thù lao theo đầu tấn sản phẩm hoàn thành (mua vào, bốc dỡ, cân và đóng gói, bốc vác xếp lên xe container/xe chuyên dụng). Thương lái là người được chủ nhà tuyển chọn, có nhiệm vụ mua hàng, được hưởng thù lao theo số lượng vải mua được. Mỗi đại lý mua vải tươi thường có từ 10 -15 thương lái và lao động dịch vụ.

Thương nhân Trung Quốc là đầu mối tiêu thụ sản phẩm vải, bao gồm các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc và hệ thống thương nhân, tiểu thương tại Trung Quốc hoặc tại Việt Nam. Thương nhân nhập khẩu Trung Quốc là những thương nhân bán buôn ở vùng biên giới Việt Nam- Trung Quốc hoặc sâu trong các tỉnh nội địa, nhập khẩu vải tươi của các thương nhân mua buôn Trung Quốc chuyển từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Để xuất khẩu vải vào Trung Quốc, đơn vị xuất khẩu của Việt Nam chọn hình thức xuất khẩu chính ngạch hoặc tiểu ngạch

Xuất khẩu chính ngạch: đối với vải là việc các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu vải với đối tác tại Trung Quốc theo Hiệp định được ký kết (hoặc cam kết) giữa hai nước hoặc được hai nước tham gia theo thông lệ quốc tế để xuất khẩu vải sang Trung Quốc. Mặt hàng vải xuất khẩu chính ngạch được kiểm duyệt kĩ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… bởi các cơ quan chức năng chuyên ngành và phải hoàn thành mọi thủ tục cũng như đóng thuế đầy đủ trước khi thông quan. Thông thường với hình thức xuất khẩu chính ngạch, vải được vận chuyển qua biên giới thông qua các cửa khẩu với số lượng lớn.

Hợp đồng xuất khẩu vải là hợp đồng bán vải của thương nhân Việt Nam cho bên mua có trụ sở kinh doanh ở Trung Quốc để chuyển giao vải sang Trung Quốc đồng thời chuyển quyền sở hữu vải sang cho bên mua.

Bên bán vải có thể trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho đơn vị khác (chuyên xuất khẩu) để thực hiện xuất khẩu.

Để ký hợp đồng xuất khẩu vải, chủ thể hợp đồng phía Việt Nam (bên bán) là thương nhân, bao gồm pháp nhân (tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp) hoặc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Chủ thể hợp đồng phía Trung Quốc (bên mua) là tổ chức, cá nhân Trung Quốc có năng lực pháp lý và năng lực hành vi dân sự.

Đơn vị sản xuất/ trồng vải xuất khẩu cần chuẩn bị hàng về số lượng và chất lượng, bao gói, bảo quản… đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của hợp đồng, cụ thể là:

- Chuẩn bị lao động, công cụ, phương tiện vận chuyển sản phẩm khi thu hoạch, chuẩn bị mặt bằng, kho chứa tập kết sản phẩm về để xử lý, đóng gói, lập các trạm hay điểm thu mua tại các trang trại, các vườn của các hộ gia đình.

 

- Làm tốt công tác tuyên truyền nhắc nhở đến từng hộ, từng người dân trồng vải về những điều khoản đã được thỏa thuận ký hợp đồng với phía Trung Quốc, để người dân và các chủ trang trại nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hoạch, không để bầm dập, hư hỏng, chọn lọc các loại quả tốt đạt tiêu chuẩn cung ứng cho doanh nghiệp để bán cho Trung Quốc.

- Do đặc tính của trái cây tươi không để được lâu nên phải thu mua về xưởng và đóng gói trong ngày để đưa vào kho lạnh hoặc container lạnh, vìvậy phải chọn đội ngũ đóng gói ó sức khỏe, biết cách đóng gói, chịu khó khi hàng về kho phải xử lý đóng gói ngay.

- Đối với đơn vị sản xuất/ trồng vải nhưng không muốn hoặc không thể trực tiếp xuất khẩu thì có thể ủy thác cho đơn vị khác xuất khẩu.

- Đối với đơn vị chuyên kinh doanh xuất khẩu cần khai thác nguồn hàng xuất khẩu bằng các hình thức như thu mua hàng theo kế hoạch, đơn đặt hàng, đầu tư trực tiếp để trồng vải. Sau khi ký hợp đồng, đơn vị sẽ tiếp nhận hàng hóa để xuất khẩu, bao bì đóng gói, kẻ mã ký hiệu… phù hợp với quy định được ký kết với khách hàng Trung Quốc.

- Trước khi giao hàng, bên xuất khẩu cần kiểm tra hàng về số lượng, trọng lượng, chất lượng (kiểm nghiệm) và khả năng lây lan bệnh (kiểm dịch). Việc kiểm tra này được tiến hành cả ở đơn vị và ở cửa khẩu (để thẩm tra lại kết quả kiểm tra ở đơn vị).

- Việc kiểm nghiệm ở đơn vị do bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm tiến hành nhưng người đứng đầu đơn vị vẫn là người chịu trách nhiệm chính về phẩm chất hàng hóa. Doanh nghiệp đăng ký để được cấp phiếu kiểm nghiệm tại các Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

- Kiểm dịch nhằm kiểm tra khả năng lây lan bệnh nhằm ngăn chặn sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm lây lan giữa các vùng, các quốc gia. Việc kiểm dịch ở đơn vị do Chi cục kiểm dịch thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Xuất khẩu tiểu ngạch:  đối với vải là việc các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam xuất khẩu vải sang Trung Quốc mà không cần hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ thanh toán như qua đường chính ngạch, chỉ cần tờ khai tiểu ngạch và chịu phí biên mậu. Khi xuất khẩu tiểu ngạch, đơn vị xuất khẩu không nhất thiết phải tiến hành bước 1 (Đàm phán và ký hợp đồng xuất khẩu), và một phần của bước 25 (Thanh lý hợp đồng) như các bước xuất khẩu chính ngạch, nhưng vẫn phải đóng thuế và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan. Xuất khẩu tiểu ngạch thủ tục đơn giản và chi phí vận chuyển thấp, tuy nhiên không ổn định, dễ gặp rủi ro, bị ép giá.

Theo Thông tin Trung Tâm thông tin Công Nghiệp Thương Mại - Bộ Công Thương

 

2415 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21875311
Lượt truy cập