Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2030 

Ngày 28/02/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, trong đó đề án đề ra tái cơ cấu ngành công nghiệp
Tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2030

Tại Đề án,  tái cơ cấu ngành công nghiệp là phải kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5 - 9%/năm.

Tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Đối với các ngành công nghiệp nền tảng cần phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại, đảm bảo năng lực tự chủ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về tư liệu sản xuất của nền kinh tế và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu. Trong đó, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hỗ trợ, ưu tiên phát triển các ngành: công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực như: luyện kim, hoá chất, cơ khí chế tạo… theo hướng công nghiệp sinh thái với việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp nền tảng, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Phát triển các sản phẩm thép hợp kim, thép chế tạo; các sản phẩm hóa dầu, hóa chất cơ bản, phân bón, cao su kỹ thuật, hóa dược, hóa chất tiêu dùng...

Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo có lợi thế xuất khẩu cần tiếp tục phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm… gắn với tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa; Mở rộng quy mô phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường xuất khẩu gắn liền với việc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính; Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu. Phát triển công nghiệp sản xuất vật tư, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất, chế biến nông sản; Tăng cường tiếp cận nguyên liệu đầu vào chất lượng cao hơn và nâng cao năng lực cho các dịch vụ hỗ trợ như tìm nguồn cung ứng, thiết kế, phát triển sản phẩm và tiếp thị mang lại cơ hội chuyển sang các phân khúc có giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị đối với ngành dệt may, da giày; Tăng cường liên kết giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước trong ngành công nghiệp điện tử nhằm thực hiện chuyển giao công nghệ và năng lực quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh; tập trung nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước về quản lý và kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng để kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia vào quá trình thiết kế, R&D và sản xuất linh kiện của ngành.

Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao đề án yêu cầu ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao; Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam; Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với công nghiệp hỗ trợ cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước; Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa. Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia; Xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp FDI để trở thành nhà cung cấp trong nước.

Đối với ngành công nghiệp khai khoáng cần phát triển đồng bộ, hiện đại phù hợp với tiềm năng khoáng sản có quy mô lớn gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và làm chủ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ, phân phối, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành, đặc biệt các khoáng sản Việt Nam có tiềm năng như: bô-xít, titan, đất hiếm…;Hiện đại hóa hoạt động tìm kiếm, đánh giá tiềm năng khoáng sản; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có hiệu quả, đảm bảo công tác an toàn, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, điều tra và phát triển bền vững. Đẩy mạnh việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn với việc cung cấp nguyên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đối với ngành công nghiệp môi trường tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trên cơ sở tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ môi trường, đặc biệt là công nghệ xử lý và tái chế chất thải, công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước; Xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp môi trường; thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị và công nghệ môi trường; Đẩy mạnh tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp; tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật về phát triển công nghiệp môi trường qua các Hiệp định thương mại và các khung khổ hợp tác quốc tế.

Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp của các vùng, địa phương đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng, địa phương về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực. Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu. Hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng động lực, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế, phù hợp với quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương. Cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn.

Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành. Nâng cao năng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công từ trung ương đến địa phương; nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thân Huệ - QLCN

175 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21792610
Lượt truy cập