Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

NÔNG SẢN VIỆT NAM CẦN CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG ĐỂ TẬN DỤNG HIỆU QUẢ CÁC FTA THẾ HỆ MỚI 

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định CPTPP đang trong quá trình phê chuẩn và EVFTA đang trong quá trình chuẩn bị ký kết. Xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng hóa nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới giúp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hơn về thuế quan, phi thuế quan. Đây cũng là cơ hội để thị trường nông sản cơ cấu lại, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhất định.
NÔNG SẢN VIỆT NAM CẦN CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG  ĐỂ TẬN DỤNG HIỆU QUẢ CÁC FTA THẾ HỆ MỚI

Bên cạnh các mặt tích cực, các FTA cũng đang tạo nên không ít rào cản cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Với Hiệp định CPTPP, hàng loạt hàng nông sản xuất khẩu của các nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế. Tại thị trường Canada, 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan, xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo khi Hiệp định có hiệu lực. Với Nhật Bản, xóa bỏ thuế quan được 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ…Trong khi đó, dự kiến sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất đạt được trong các FTA đã ký kết cho tới nay. Nhiều mặt hàng nông sản hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định này có hiệu lực như cà phê, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… EU đang là thị trường đứng thứ 2 về xuất khẩu đối với những mặt hàng nông sản chủ này.

          Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Khoảng 50% thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ, số còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 7 năm. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thủy sản… cũng có lợi thế khi cạnh tranh với ưu đãi về thuế quan.Tham gia vào các FTA mới còn giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường ra những thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng như Canada, Australia…

          Tuy nhiên, trong các FTA thế hệ mới, những quy định như: Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn… ngày càng chặt chẽ hơn. Điều đáng lo ngại là các nước có xu hướng tìm cách sử dụng triệt để các rào cản kỹ thuật như một biện pháp nhằm bảo vệ sản xuất trong nước sau khi hàng rào thuế quan gần như được hoàn toàn xóa bỏ. Trong khi ở nước ta, các tiêu chuẩn về chất lượng nông sản vẫn chưa được “phủ sóng” đến toàn bộ người sản xuất và doanh nghiệp, khiến hầu hết sản phẩm không có thông số chất lượng. Điều này đang tạo nên không ít rào cản cho người nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập.

 

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung và các sản phẩm nông nghiệp nói riêng của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) liên tục gia tăng, nhưng số lần cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm từ phía nhà nhập khẩu EU đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao. Theo số liệu của Eurocham, trong năm 2017, EU có 77 cảnh báo đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong dó có 23 lô bị từ chối. Trong những tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 33 lô hàng bị cảnh báo. Thực tế, Việt Nam đã bị cấm nhập khẩu một số mặt hàng vào thị trường EU vì sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, kim loại nặng… Hiện EU đã sửu dụng biện pháp phi thuế quan nhiều nhất, áp dụng trên 94% trên tổng trị giá sản phẩm vào EU. Trong khi đó, Mỹ có tỷ lệ áp dụng thấp hơn trên 77%, Nhật Bản 76%... còn Việt Nam vẫn áp dụng khá ít biện pháp phi thuế quan (gần 38%) so với các đói tác thương mại. Với từng loại mặt hàng xuất khẩu, thì da giày là sản phẩm ít chịu tác động từ các biện pháp phi thuế quan. Sản phẩm điện, điện tử, dệt may biên pháp được áp dụng chủ yếu là tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, những sản phẩm thực phẩm, rau củ qả và gỗ vừa có yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, lại cả kiểm soát về chất lượng nghiêm ngặt… do đó số lượng biện pháp phi thuế quan tăng lên rất nhiều.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập, tiêu chuẩn chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm chính là ở chỗ chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, chưa biết cách nâng cao giá trị của thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên trong nước, chưa có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất – nhập khẩu luôn được các thị trường thế giới quy định, coi đó chính là “luật chơi” phổ quát với những quy định chung. Tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tưng của mỗi sản phẩm chính là những yếu tố căn bản cho quá trình thúc đẩy nông sản, thực phẩm an toàn của Việt Nam đến với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh muốn xuất khẩu  sang các thị trường khó tính, yêu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới như: ISO, GlobalGAP, HACCP, ….

Trong giai đoạn này, có thể nói tiêu chuẩn chất lượng cộng với giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm thường chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô hay làm gia công là chính, người nông dân và doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết về yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa, nhiều hàng hóa nông sản do nông dân sản xuất hầu hết chưa theo tiêu chuẩn cụ thể nào, chủ yếu chạy theo số lượng, vì thế liên tục rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Trong khi yêu cầu về chất lượng và tính an toàn sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao. Những năm gần đây, “giải cứu nông sản” đã trở thành cụm từ quen thuộc khi mà đến vụ thu hoạch là hàng loạt nông sản sụt giảm giá nghiêm trọng, thậm chí phải đổ bỏ vì không thể tiêu thụ. Vì thế đã thành các phong trào “giải cứu” mang tính tự phát, tự giải cứu dưa hấu, thanh long, khoai tây, súp lơ, thậm chí đến giải cứu tỏi, ớt, vải thiều… Điểm chung là hầu hết các sản phẩm này đều được trồng đại trà, không theo quy hoạch, không tìm hiểu thị trường tiêu thụ, không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa hay các thông số tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

Thiếu tiêu chuẩn theo quy định không chỉ làm nông sản lao đao trong nước mà ở thị trường xuất khẩu, nhiều nông sản cũng gặp khó khăn. Tiêu biểu nhu: Chất cấm trong cá tra, tôm xuất khẩu, trong chè, trái cây… bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan kiểm định châu Âu cảnh báo. Gần đây là hải sản khai thác của Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo vì vi phạm các nguyên tắc IUU (chương trình chống các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định). Nếu muốn giữ vững thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký, khai thác bằng công cụ cấm, hoặc những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định. Đây là một thách thức lớn mà ngành thủy sản nước ta đang phải đối mặt để có thể tháo gỡ “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất. Có thể thấy, rào cản kỹ thuật áp lên nông sản, thủy sản của thị trường thế giới ngày càng đa dạng, không chỉ là chất cấm, kháng sinh, mà còn cả về pháp luật và tính nhân văn.

Hiện hàng rào kỹ thuật lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực đầu tư khoa học – công nghệ về bảo quản, chế biến và tổ chức vùng nguyên liệu còn yếu cho nên khó đáp ứng yêu cầu, trong khi vẫn còn hiện tượng kinh doanh chụp giật, gian lận khi xuất khẩu và làm thủ tục kiểm dịch thực vật, cạnh tranh không lành mạnh làm giảm uy tín nông sản Việt Nam. Tại hội thảo quốc tế năm 2017 về những yêu cầu mới đối với tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt Nam hội nhập theo khảo sát của chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản, chỉ có 5 đến 10% số người nông dân nước ta quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch, cũng chỉ có 5% trong số đó tuân thủ quy tắc và thành công. Ngại tuân thủ quy định, tiêu chuẩn; ngại áp dụng phương pháp mới; ngại ghi nhật ký đồng ruộng,.. chính là các rào cản tâm lý lớn nhất của nông dân Việt Nam khi tham gia vào những mô hình sản xuất đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng tiêu chí cụ thể rất khắt khe. Cũng giống như nông sản, nghề cá của Việt Nam bao đời nay hoạt động theo kiểu truyền thống, thiếu chuyên nghiệp cho nên việc vận động và yêu cầu ngư dân tuân thủ triệt để các quy định quốc tế không dễ dàng. Vì vậy, cảnh báo “thẻ vàng” đói với hải sản khai thác từ EU đang đòi hỏi những nỗ lực thây đổi rất lớn từ phía ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản của mình, phải chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế thì mới có thể bán được hàng và nghề cá Việt Nam mới có thể tồn tại, phát triển.

Cùng với những đòi hỏi về sự thay đổi trong nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân, không thể thiếu sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các đơn vị quản lý nhà nước. Theo đó, muốn có sản phẩm sạch thì trước mắt cần có một danh mục thuốc bảo vệ thực vật thực sự hiệu quả, an toàn, thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, nhiệm vụ trước mắt là phải quản lý chặt đầu vào khảo nghiệm, loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu và các căn cứ khoa học liên quan đến vấn đề này còn thiếu, việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mục tiêu đặt ra là đến năm 2021, rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ sinh học được đăng ký và sử dụng; tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất coongnghieepj để sử dụng trong nước ít nhất là ba triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất là giải pháp không thể thiếu. Bởi muốn có một khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, giao hàng đúng lúc, đạt tiêu chuẩn thì việc phát triển các chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu. Chỉ bằng cách hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, bài toán về sản phẩm xuất khẩu, kiểm soát an toàn thực phẩm và ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp mới có thể giải quyết triệt để. Với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề lớn của nền nông nghiệp như: Có quỹ đất đủ lớn, liền vùng, liền mảnh để triển khai sản xuất, sử dụng thiết bị cơ giới hiện đại; ổn định đầu ra sản phẩm không chỉ trong nước mà quan trọng hơn là xuất khẩu khối lượng lớn; có cơ chế chính sách ưu đãi đối với những tổ chức, cá nhân thamgia chuỗi liên kết để bảo đảm họ có thể theo đuổi lâu dài và bền vững…

Bên cạnh đó, hiện các tiêu chuẩn Việt Nam do Tổng cục Đo lường chất lượng xây dựng liên quan đến nông sản thực phẩm có đến tất cả 1536 tiêu chuẩn, riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm có đến 884 tiêu chuẩn, đây là những con số rất lớn thể hiện việc các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng nông sản và thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc bán hàng trong nước, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu thực tế vẫn cần nhiều bộ tiêu chuẩn hơn nữa, đặc biệt cần có một tiêu chuẩn để cho người bán – mua trong nước cũng như người mua nước ngoài có sự tin cậy lẫn nhau.

 

                                                                                                                                                                                         N.K.N  

  (Nguồn : Bộ Công Thương)

732 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21887156
Lượt truy cập