Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Người tìm hướng đi cho gà đồi Yên Thế 

Mỗi khi nhìn thấy tấm pa-nô quảng bá "Gà đồi Yên Thế", tôi lại thêm tự hào về Yên Thế (Bắc Giang) quê tôi. Trong bối cảnh thị trường rộng lớn, cạnh tranh gay gắt mà gà đồi Yên Thế vẫn đứng vững ở nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng trong và ngoài tỉnh là điều đáng tự hào lắm chứ.
Người tìm hướng đi cho gà đồi Yên Thế
Mỗi khi nhìn thấy tấm pa-nô quảng bá "Gà đồi Yên Thế", tôi lại thêm tự hào về Yên Thế (Bắc Giang) quê tôi. Trong bối cảnh thị trường rộng lớn, cạnh tranh gay gắt mà gà đồi Yên Thế vẫn đứng vững ở nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng trong và ngoài tỉnh là điều đáng tự hào lắm chứ.

 Chuyện con gà ri quê tôi nổi tiếng như hôm nay là cả một chặng đường dài với ý chí quyết tâm của lãnh đạo từ huyện đến cơ sở. Cách đây hơn chục năm, trong bữa cơm ở cơ quan, anh Lưu Xuân Vượng lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế gắp miếng thịt gà vàng ươm béo ngậy đặt vào bát tôi. Anh bảo mời bác ăn thử miếng thịt gà đồi quê ta xem có khác miếng thịt gà công nghiệp ở thành phố không. Tôi cười vui đáp lời: “Tôi ăn thật đấy chứ không thử đâu!”, quả là miếng thịt gà thơm, béo, dai, đậm, không bã, bở như thịt gà công nghiệp. Câu chuyện đưa con gà ri Yên Thế trở thành hàng hóa rôm rả suốt bữa ăn. 

Chiều hôm đó, anh Vượng cùng anh Trạm trưởng Trạm Thú y huyện đưa tôi vào xem mô hình chăn nuôi gà tập trung ở xã Canh Nậu, gia chủ là hai vợ chồng tầm trên 30 tuổi. Ngoài ngôi nhà ba gian cấp bốn, nửa quả đồi sau nhà trồng cây lấy gỗ, còn nửa đồi thấp được quây lưới để nuôi gà. Để khách tham quan,  gia chủ bê thau ngô ra trước căn nhà nhỏ ở giữa vườn. 

Từ khắp các hướng, đàn gà thấy tín hiệu lục tục chạy về tranh nhau mổ ngô. Tôi hỏi gia chủ được biết, lứa đầu anh nuôi trăm con, thấy thị trường tiêu thụ tốt, lứa này anh nuôi 2.000 con. Mỗi lứa thời gian từ 3-4 tháng với giá 50.000 đến 70.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi 30%. Trước mắt như thế là được, nhưng nếu phát triển nhiều, thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn. 

Trên đường về, anh Vượng tâm sự, Yên Thế là huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp phần lớn nhờ vào nước trời, nên không ổn định, trồng rau màu thì đồi dốc chỉ được một hai vụ là đất bạc màu. Mấy năm nay huyện tập trung giao đất, giao rừng, khuyến khích nông dân phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nông dân hưởng ứng rất mạnh. Nhưng trồng rừng thì chu kỳ khai thác cũng phải 5-7 năm. 

Thời gian dài như thế nông dân lấy gì để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu thiết yếu của gia đình. Trước đây gia đình nào cũng nuôi đôi chục con gà, con ngan, chủ yếu để dùng, còn dư mới bán, đồng tiền chẳng được bao nhiêu. Nay huyện chủ trương vận động nông dân có đồi rừng nên tổ chức nuôi gà tập trung số lượng lớn, tạo thành thực phẩm sạch, chất lượng cao. 

Huyện đã giao cho một số hộ có kinh nghiệm, kỹ thuật tổ chức nuôi gà đẻ, ấp trứng tạo giống gà con địa phương (loại gà ri) cung cấp cho các trang trại và hộ nông dân nuôi gà thịt. Huyện giao nhiệm vụ cho Trạm Thú y tập  huấn kỹ thuật phòng trừ bệnh dịch ở gà cho tất cả cán bộ khuyến nông cắm bản. Đặc biệt đối với các hộ nuôi gà số lượng lớn, cán bộ khuyến nông phải hướng dẫn hộ gia đình từ quy trình chăm sóc, cho ăn, phòng bệnh từng giai đoạn, bảo đảm gà khi đưa ra thị trường phải sạch.

Sau hơn ba năm thực hiện đề án phát triển gà đồi, đàn gà của Yên Thế đã tăng mạnh. Thời kỳ cao điểm đạt hơn một triệu con, cao nhất toàn tỉnh, đứng trong tốp dẫn đầu chăn nuôi gia cầm của cả nước. Trong quá trình thực hiện đề án có tình trạng phát triển gà đồi theo phong trào, không có kế hoạch, việc quản lý quy trình nuôi rút ngắn vì độn nhiều cám công nghiệp nên chất lượng thịt gà kém. Quản lý dịch bệnh không chặt chẽ, nên khi dịch bệnh phát sinh không ít gia đình thua lỗ nặng. 

Mặt khác, đàn gà phát triển ồ ạt nhưng không có thị trường tiêu thụ nên người nuôi bị ép giá dẫn đến sản xuất gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Xuân Vượng đã đề xuất phối hợp cùng các xã căn cứ vào địa bàn có điều kiện vườn đồi, kỹ thuật, năng lực về vốn đầu tư khoanh vùng tổ chức lại mô hình chăn nuôi gà đồi theo quy trình Vietgap đảm bảo chất lượng, giữ uy tín trên thị trường. 

Trong dịp về huyện công tác, trò chuyện với anh em cán bộ, mọi người đều bảo, nuôi được con gà chất lượng đã khó, nhưng xây dựng được thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" còn khó gấp nhiều lần. Người chăn nuôi chỉ biết làm ra sản phẩm, còn tiêu thụ hoàn toàn buông mặc thị trường. 

Lưu Xuân Vượng, dân tộc Tày, sinh năm 1961, quê ở bản Cây Thị, xã vùng cao Đồng Tiến, huyện Yên Thế. Tốt nghiệp khoa kinh tế nông nghiệp, Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên. Năm 1996, anh làm Phó Phòng Nông nghiệp huyện. Lưu Xuân Vượng đã kinh qua cương vị Chánh Văn phòng UBND huyện, Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND huyện. Hiện là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Thế. 

 

Với kiến thức được trang bị từ trường đại học, Phó Chủ tịch Lưu Xuân Vượng bàn bạc trong đội ngũ lãnh đạo huyện phải lo tìm thị trường cho gà, trước hết là xây dựng được thương hiệu. Anh tranh thủ nhờ Viện Thú y chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT) giúp đỡ kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi Vietgap cho tất cả các trang trại và hộ chăn nuôi gà hàng hóa trên địa bàn huyện, bảo đảm gà xuất chuồng phải được sản xuất theo đúng quy trình, tạo ra sản phẩm sạch. 

Lưu Xuân Vượng cùng cán bộ kỹ thuật xuống từng thôn, bản kiểm tra việc thực hiện quy trình Vietgap, kiên quyết loại bỏ cách chăn nuôi tùy tiện, tuyên truyền để nông dân hiểu, đồng tình thực hiện phương pháp chăn nuôi theo khoa học. Người chăn nuôi hiểu được rằng để làm ra sản phẩm tốt, chất lượng mới có lãi bền vững. Chăn nuôi theo quy trình Vietgap là cơ sở để cơ quan khoa học có thẩm quyền xem xét cấp chứng chỉ thương hiệu “Gà đồi Yên Thế" thành công. 

Kể lại câu chuyện đi tìm thương hiệu hàng hóa cho con gà, anh Vượng vui cười bộc bạch: Có được thương hiệu hàng hóa cho gà đồi Yên Thế mừng lắm. Nhưng có thương hiệu rồi lại lo giữ được thương hiệu trên thị trường mới gian nan. Đặt chén trà anh mời, tôi nhìn anh hỏi: “Tôi nghe anh em cán bộ huyện kể lại, hồi là Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, đã có lần anh mặc quần áo công nhân lao động xuống các chợ đầu mối buôn bán gia cầm ở Hà Nội và các thành phố lớn để khảo giá, tìm thị trường tiêu thụ phải không?”. Anh cười bảo: "Muốn ăn con hét thì phải đào giun thôi”. Anh kể, phải đến 12 cửa hàng bán gia cầm tại Hà Nội để tìm mối giới thiệu bán sản phẩm gà đồi Yên Thế. 

Chưa hết, anh còn bắt mối mời các chủ siêu thị về thăm Yên Thế để có dịp giới thiệu đưa gà đồi Yên Thế vào siêu thị. Nói chuyện về xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, tôi thấy Lưu Xuân Vượng hết sức say sưa. Mới rồi anh lại vừa xây dựng thành công thương hiệu “Chè bản Ven”, giúp cho 500 ha chè của bà con dân tộc xã Xuân Lương phát triển bền vững.

 

Huyện Yên Thế
967 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21790689
Lượt truy cập