Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật của chương trình khuyến công 

Với mục tiêu động viên, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; trình diễn, phổ biến, nhân rộng mô hình tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn           kỹ thuật của chương trình khuyến công

Trong giai đoạn 2014 - 2018, thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã thực hiện được 66 đề án thuộc nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học với tổng kinh phí hỗ trợ là 7.810 triệu đồng; trong đó, xây dựng được 4 mô hình trình diễn kỹ thuật nhằm giới thiệu sản phẩm mới trên địa bàn cấp huyện, cụ thể như sau: Gạch không nung (xã Tân Dĩnh, huyện lạng Giang), ván ép xuất khẩu từ gỗ bóc (xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang), chế phẩm sinh học biolin (phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang), tôn ba lớp cách nhiệt (xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa); từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia dành cho nội dung hoạt động này là 1.300 triệu đồng đã huy động được 102.000 triệu đồng của các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các mô hình (như vậy cứ 1 đồng vốn khuyến công thu hút được 78,5 vốn đầu tư của các doanh nghiệp).

Trao đổi tại Hội thảo giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất                  chế phẩm sinh học Biolin

Qua đó, tạo cơ sở tiền đề giúp các doanh nghiệp có cơ hội mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới vào trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, Trung tâm cũng cũng đã tổ chức được hơn 400 lượt đại biểu trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, áp dụng các mô hình. Mặc dù, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cũng như vốn đầu tư của các cơ sở công nghiệp nông thôn còn rất hạn chế nhưng đến nay hiệu quả từ các mô hình trình diễn kỹ thuật đạt được rất tích cực, các doanh nghiệp sản xuất ổn định, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm ổn định cho 300 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, sản phẩm được thị trường đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, các đơn vị thụ hưởng kinh phí khuyến công luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh; là những hạt nhân góp phần thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vẫn đang gặp phải những khó khăn cần tháo gỡ như: Đa số các cơ sở công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn đối ứng tương đối ứng thấp nên thời gian qua Trung tâm chưa xây dựng được những đề án có quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, phát huy lợi thế so sánh, nguồn lực, tài nguyên, nguyên liệu, thị trường và lao động của tỉnh. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là những đơn vị mới được thành lập hoặc mới đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất do đó việc căn cứ theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ để xác định số lượng lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội để làm tiêu chí đánh giá khi thẩm định cơ sở các đề án còn gặp phải những vướng mắc nhất định. Hiện nay, theo quy định mới chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư mới công nghệ mới, thiết bị mới vào trong sản xuất mà chưa có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng tự chế tạo ra máy móc thiết bị hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, mặc dù đây vẫn là những đối tượng đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Mặt khác, công tác khảo sát, lựa chọn đơn vị hỗ trợ còn gặp phải hạn chế do thời gian xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật thường kéo dài nhiều năm, thời gian thực hiện các đề án còn phụ thuộc vào tiến độ đầu tư của các cơ sở công nghiệp nông thôn; trong khi đó, kinh phí khuyến công phải được thanh quyết toán trong năm kế hoạch không được chuyển nguồn sang năm sau.

Thực hiện hậu kiểm đề án xây dựng mô hình sản xuất ván ép xuất khẩu                       từ gỗ bóc

 Để nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, trong thời gian tới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung tâm với các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi triển khai thực hiện đề án; kết hợp giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp; tham mưu Sở Công Thương rà soát lại quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế, bám sát với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động khuyến công của Trung ương để đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khuyến công ở địa phương. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ ưu tiên xây dựng những đề án có tính khả thi thực hiện trong năm kế hoạch, tạo hạt nhân lan tỏa trong các làng nghề, ngành nghề, tận dụng được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia, địa điểm thực hiện trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới; chế biến nông - lâm - thủy sản, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt./.

VŨ TRÍ KHƯƠNG – TTKC

 

13456 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21922504
Lượt truy cập