Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Đổi mới hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới 

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sau 03 năm thực hiện đã đạt được kết quả rất khả quan. Số lượng sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên năm sau cao hơn năm trước; đến nay, toàn tỉnh đã có 155 sản phẩm được công nhận (trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao). Hiện nay, về cơ bản các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng của tỉnh Bắc Giang đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh. Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Có nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; GMP; VietGap; Global Gap… có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn và hướng tới xuất khẩu.
Đổi mới hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới

Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu sang thị trường Đức; sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường Pháp; các sản phẩm Giấm ăn của Công ty TNHH thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; Bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc;… Đặc biệt là sản phẩm vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia,…bên cạnh đó còn có các sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba (Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông,…).

Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; nhiều quy định pháp luật, hình thức kinh doanh và xu hướng tiêu dùng mới đã xuất hiện, tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới công tác xúc tiến thương mại. Hiện nay, chúng ta mới có 10 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu (chiếm 6,5%) và có khoảng 56 sản phẩm OCOP (chiếm 33%) vào được siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong nước. Như vậy có thể nói công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Một số hạn chế và nguyên nhân có thể kể đến như sau:

- Trong tổng số 85 chủ thể của 155 sản phẩm OCOP thì chỉ có 09 chủ thể là Doanh nghiệp (chiếm 10,5%), số chủ thể là HTX là 66 chủ thể (chiếm 77,7%), số chủ thể là Cơ sở sản xuất là 10 chủ thể (chiếm 11,8%). Mà hiện nay các HTX của chúng ta còn đang tồn tại rất nhiều hạn chế: hạn chế về trình độ năng lực, hạn chế về nhân lực, hạn chế cả về kinh tế. Dẫn đến còn chưa có sự hiểu biết cũng như chưa có sự quan tâm nhất định đến việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; chủ yếu sản xuất theo thị trường nhưng chưa quan tâm đến hồ sơ chất lượng sản phẩm cũng như các yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.

- Nhiều sản phẩm OCOP còn chưa thật sự quan tâm đến đầu tư xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, nhãn mác sản phẩm. Điều này khiến cho sản phẩm của chúng ta gặp nhiều khó khăn rất lớn trong cạnh tranh với các sản phẩm khác cũng như hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ.

- Nhiều sản phẩm OCOP còn mang tính mùa vụ cao, được sản xuất với sản lượng thấp, quy mô nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các yêu cầu về sản lượng của thị trường.

Các hạn chế trên đã ảnh hưởng lớn đến công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhận thức được vấn đề đó, trong những năm gần đây Sở Công Thương đã tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ các DN, HTX đặc biệt các chủ thể có sản phẩm OCOP đổi mới các hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho phù hợp với tình hình hiện tại.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua tất cả các kênh thông tin truyền thông, truyền hình, báo chí và mạng xã hội:

Xác định được đây là công tác then chốt giúp sản phẩm chất lượng của chúng ta tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dung và các thị trường mới Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh, các cơ quan Báo chí Trung ương như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo Công Thương, Báo điện tử VTC... xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin bài tuyên truyền quảng bá các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh: Vải thiều Lục Ngạn; gà đồi Yên Thế; chè Bản Ven; mỳ Chũ; rượu làng Vân;… qua đó các sản phẩm của Bắc Giang đã tiếp cận được người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố, khẳng định được danh tiếng và chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.

- Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thực hiện có trọng điểm, tập trung vào thị trường có thế mạnh.

Hình thức tổ chức được Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai có sự sáng tạo về nội dung và phương thức triển khai: Tổ chức hội nghị, diễn đàn kết hợp trưng bày triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm; xúc tiến thương mại kết hợp xúc tiến đầu tư và xúc tiến quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương; cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp truyền thống và trực tuyến, phù hợp với xu thế và điều kiện thực tế, giúp thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu được ổn định.

Xác định việc chinh phục thị trường tiêu thụ trong nước vẫn là một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại; Chính vì thế công tác tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài, hỗ trợ thâm nhập thị trường đã được quan tâm đặc biệt: Tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố; hỗ trợ kinh phí gian hàng tiêu chuẩn cho hàng trăm lượt doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trưng bày, triển lãm tại hội chợ thương mại trong nước. Các gian hàng trưng bày triển lãm của tỉnh Bắc Giang đã thu hút hàng vạn lượt khách hàng đến thăm quan, tìm hiểu, đánh giá cao về sản phẩm đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và có chất lượng… Qua đó đã góp phần giúp thị trường tiêu thụ ngày càng ổn định và được mở rộng.

- Đẩy mạnh hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm: Ở đây không chỉ hỗ trợ về mặt kinh phí mà còn đẩy mạnh việc tuyên truyền hiệu quả của việc quảng bá thương hiệu, quảng bá chất lượng đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thông qua bao bì nhãn mác. Qua đó các đơn vị đã quan tâm đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời chú trọng hơn đến khâu thiết kế, in ấn, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, góp phần tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thuận lợi với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng cũng như sản phẩm nông sản khác tiếp cận thương mại điện tử trong thời kỳ mới.

Trong những năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID 19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; tiêu thụ hàng hóa, nông sản đã được định hướng chuyển sang phục vụ tối đa các nhu cầu của thị trường trong nước. Sở đã tiến hành hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến (gồm website, hệ thống email, Fanpage trên Facebook, landing page); xây dựng gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Giang trên sàn TMĐT Alibaba.com. Đồng thời hỗ trợ DN, HTX tạo các gian hàng trên các sàn TMĐT nhằm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp website thương mại điển hình; ứng dụng phần mềm bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của doanh nghiệp, HTX. Trong năm nay Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các DN, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang nói chung cũng như các sản phẩm OCOP nói riêng xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh trực tuyến, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm tối ưu tự động quy trình kinh doanh trực tuyến giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ tối ưu quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là bước chuyển hướng đúng đắn và phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới cũng như sẽ dễ dàng giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh có cơ hội tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, đã có một số HTX tiếp cận thay đổi phương thức hoạt động qua ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tổ chức quản lý sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch tiêu thụ lớn, như Laza, Shopee….; qua đó phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định.

Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang - Tổng hợp

320 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21793095
Lượt truy cập