Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Đại sứ Việt Nam tại Úc: ‘Lệnh cấm nhập tôm ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Úc’ 

Trong thời gian qua, việc Australia tạm thời cấm nhập khẩu tôm Việt Nam đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia, về lệnh cấm của nước này với Việt Nam cũng như các giải pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Úc: ‘Lệnh cấm nhập tôm ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Úc’
Ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia, chia sẻ về lệnh cấm nhập khẩu tôm Việt Nam mới đây từ phía Australia.
 
Trong thời gian qua, việc Australia tạm thời cấm nhập khẩu tôm Việt Nam đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia, về lệnh cấm của nước này với Việt Nam cũng như các giải pháp.

Kể từ tháng 1/2017, việc xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Australia bị gián đoạn vì lý do dịch đốm trắng bùng phát ở Australia. Theo Đại sứ, 2 bên liệu sẽ sớm có một giải pháp giải quyết tình huống này?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Sau khi phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland, ngày 7/1/2017, Bộ Nông nghiệp và nguồn nước Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp tạm dừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau khi có thông tin, các cơ quan chức năng của ta đã vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp – Tài nguyên nước Australia bày tỏ quan điểm của Việt Nam và đề nghị phía Australia xem xét lại lệnh cấm này.

Hiện các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tích cực đàm phán với Bộ Nông nghiệp – Tài nguyên nước của bạn.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng đã làm việc với các Hiệp hội nhập khẩu thủy sản, nhà hàng Australia và phối hợp với Thương vụ một số nước để cùng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Australia.

Trong lịch sử thương mại, đã từng có lúc Việt Nam và Australia có bất đồng về thương mại song phương nhưng đã kịp thời có giải pháp. Đại sứ có lạc quan về trường hợp lần này, cụ thể là việc tôm Việt Nam nhập khẩu vào Australia?

Trước hết, cần khẳng định lệnh cấm được áp dụng với nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam và không phải do bất đồng thương mại giữa Australia với những nước này. Đây đơn thuần là biện pháp phòng ngừa về an toàn sinh học của phía Australia.

Không chỉ có Chính phủ Australia cấm tôm từ nước ngoài mà ngay giữa các bang của Australia với nhau cũng áp đặt lệnh cấm như Chính phủ bang Nam Australia cấm nhập khẩu một số loại tôm và thịt tôm từ bang Queensland.

Đây là lệnh cấm tạm thời, có hiệu lực 6 tháng kể từ ngày 9/1/2017. Hy vọng lệnh cấm sẽ sớm được gỡ bỏ, đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng Australia và các nhà xuất khẩu tôm, góp phần củng cố mối quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia.

Hiện nay các sản phẩm tôm chưa nấu chín của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mà không bị bất kỳ quyết định đình chỉ nhập khẩu nào, trừ Australia. Điều này có ảnh hưởng lớn tới cán cân thương mại giữa 2 nước không thưa Đại sứ?

Trong 5 năm qua, Việt Nam luôn là nước cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho Australia. Kim ngạch nhập khẩu tôm của Australia từ năm 2011 đến năm 2015 tăng gần 20 lần, từ 17 triệu USD năm 2011 lên đến 335 triệu USD năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Australia tăng đến hơn 50 lần giai đoạn 2011-2015 (từ 2 triệu USD đến 104 triệu USD).

Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu toàn bộ thủy sản của Việt Nam. Do vậy, lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Australia, cụ thể ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực, kim ngạch thuỷ sản tháng 1/2017 của Việt Nam sang Australia giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Đại sứ đánh giá thế nào về tình hình cũng như triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước?

Trong chuyến thăm chính thức đến Australia từ ngày 30/11 – 1/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã ký Chương trình Hành động Việt Nam – Australia giai đoạn 2016 – 2019.

Chương trình cụ thể hóa các mục tiêu và biện pháp trong các lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương giữa hai nước, nhằm đưa quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường giữa Việt Nam và Úc tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực thương mại – đầu tư.

Việt Nam là một trong những nước sử dụng lớn nhất ưu đãi thuế quan Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA). Hai nước có nhiều điểm đồng trong chiến lược phát triển kinh tế, nhất là chính sách ủng hộ tự do hóa thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.

Hai nước cũng đang tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại sẽ chiếm hơn 30% GDP toàn cầu. Gần đây, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia, Steven Ciobo khẳng định Australia mong muốn xây dựng quan hệ kinh tế gần gũi hơn với VN, đưa quan hệ với Việt Nam – một trong những nước năng động nhất của khu vực châu Á, lên một tầm cao mới.

Tôi tin tưởng rằng, trên nền tảng quan hệ vững chắc giữa hai nước hiện nay, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Australia trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần thúc đẩy xu thế tăng cường hợp tác thương mại giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

1077 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21934923
Lượt truy cập