Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý 

Năm 2023, sau khi dịch covid-19 đã cơ bản được khống chế, Trung quốc đã mở các cửa khẩu biên giới với Việt Nam để nhập xuất khẩu hàng hóa. Theo đó hàng hóa nông sản Việt Nam đã có thể thông thương với Trung Quốc, đây là thị trường lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng.
Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc,  những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý

Để thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản phẩm nông sản xuất khẩu cần nắm bắt được các thông tin cơ bản về thị trường Trung Quốc cũng như  các rào cản để thuận lợi cho xuất khẩu:

Thứ nhất: Về định hướng xuất khẩu, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước luôn khuyến nghị đến các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu chuyển nhanh, mạnh sang xuất khẩu “chính ngạch” và tiến tới dừng xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch: nhằm giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đúng các yêu cầu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy cách đóng gói, dán nhẵn sản phẩm đã được phía Trung Quốc cấp phép, chỉ những những sản phẩm từ vùng trồng/sản xuất hoặc cơ sở đóng gói được Trung Quốc phê chuẩn thì mới được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hoặc mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thì Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể tạm dừng tư cách xuất khẩu của Doanh nghiệp và sẽ rất khó để khôi phục lại tư cách này.

Thứ hai: Cần kiểm soát kỹ lưỡng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn thức ăn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, v.v. theo đúng quy định tại các Danh mục giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm của Trung Quốc được ban hành ngày 03 tháng 9 năm 2021. Theo đó, Danh mục này quy định tổng cộng 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa của 564 loại thuốc bảo vệ thực vật trong 376 thực phẩm. Danh mục cũng thiết lập 792 mức giới hạn cho 29 loại thuốc trừ sâu bị cấm, và 345 mức giới hạn cho 20 loại thuốc trừ sâu bị hạn chế sử dụng. Trong danh mục này, Trung Quốc cũng đã xây dựng 5.766 mức giới hạn dư lượng (MRLs) cho các rau, trái cây và thực phẩm tươi, chiếm đến 57,1% tổng số mức giới hạn thuộc danh mục. Thêm vào đó, danh mục này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc, đồng thời ban hành 04 tiêu chuẩn phương pháp kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài Danh mục GB2763, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng cần chú ý đến một số danh mục khác có liên quan, như: Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trên thực phẩm (Danh mục GB2760); Danh mục giới hạn dư lượng tối đa thuốc thú y trong thực phẩm (Danh mục GB31650); v.v. Các danh mục này cũng định kỳ được cơ quan hữu quan Trung Quốc rà soát và cập nhật. Các lô hàng nông sản nhập khẩu khi kiểm tra bị phát hiện vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch hoặc các quy định liên quan khác sẽ bị từ chối thông quan, tiêu hủy, trả hàng hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể còn bị tạm dừng tư cách xuất khẩu.

Thứ ba: Các phương thức vận chuyển hàng hóa qua biên giới Việt – Trung. Hiện tại việc vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc có rất nhiều phương thức như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường tầu biển, tuy nhiên với các sản phẩm của tỉnh Bắc Giang sẽ chỉ cơ bản tập trung vào tuyến đường bộ sẽ đảm bảo hiệu quả hơn. Hiện nay vận chuyển đường bộ có các cặp cửa khẩu đáp ứng đủ 03 điều kiện: (i) Có đủ không gian lưu trữ độc lập; (ii) Có đủ phương tiện và thiết bị bảo quản (tươi, chất lượng); (iii) Đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch và phòng chống dịch bệnh và có đủ năng lực xử lý phòng hại, cụ thể:

(i) Tại Lạng Sơn: Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Tân Thanh – Pò Chài, Chi Ma – Ái Điểm; Cốc Nam – Lũng Nghịu;

(ii) Tại Quảng Ninh: các cửa khẩu/lối mở thuộc cặp cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng (cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II, Lối mở Km3+4); Bắc Phong Sinh- Lý Hỏa; Hoành Mô – Động Trung (iii) Tại Lào Cai: Kim Thành 2 – Bắc Sơn;

(iv) Tại Cao Bằng: Tà Lùng – Thủy Khẩu; Trà Lĩnh – Long Bang, Sóc Giang – Bình Mãnh;

(v) Tại Hà Giang: Thanh Thủy – Thiên Bảo;

(vi) Tại Lai Châu: Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà (vii) Tại Điện Biên: A Pa Chải – Long Phú.

Thứ tư: Quan tâm thực hiện tốt các quy định về bao bì, đóng gói, dán nhãn. Nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần được đóng gói và dán nhãn theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc (được sửa đổi lần gần nhất vào tháng 04 năm 2021)." Cụ thể đối với trái cây:

Đóng gói: Trên bao bì (thùng kiện) phải dùng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh; thông tin ghi rõ tên loại hoa quả; nơi sản xuất, nơi đóng gói hoặc số mã hiệu/mã code, dán sẵn tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Tất cả các bao bì phải ghi chữ “Để xuất khẩu đi Trung Quốc" bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh. Đóng gói đáp ứng quy định nhập khẩu, trong đó bao bì, vật liệu bao gói bằng gỗ được xử lý theo đúng tiêu chuẩn ISPM 15.

Tem nhãn: Tem nhãn truy xuất nguồn gốc có thể dán lên trái cây, dán/in bên ngoài thùng/hộp đóng gói; thông tin tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, dễ hiểu, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh. Nội dung của tem nhãn bao gồm: tên tổ chức xuất khẩu, chủng loại hoa quả, tên vùng trồng và mã số đăng ký; tên cơ sở đóng gói và mã số đăng ký.

Thứ năm: Khai báo thông tin trên chứng từ và hồ sơ khai báo hải quan phải chính xác và nhất quán, nếu cơ quan hải quan Trung Quốc khi kiểm tra, phát hiện thông tin không nhất quán trên chứng từ và hồ sơ khai báo, có thể tiến hành hoàn trả hàng, tạm dừng tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài nếu kết luận doanh nghiệp đó có hành vi vi phạm, không trung thực trong khai báo hồ sơ.

Thực hiện tốt các quy định về đăng ký theo Lệnh số 248: Năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành các Lệnh số 248 với mục đích chính là nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo quy định này, doanh nghiệp sản xuất 32 nhóm thực phẩm sau đây cần đăng ký trước khi sản phẩm của mình được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: (1) 19 nhóm rủi ro cao gồm: Thịt và sản phẩm từ thịt, Nội tạng, Tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, Sản phẩm từ ong, Trứng và sản phẩm từ trứng, Dầu ăn và nguyên liệu, Bánh có nhân, Ngũ cốc ăn được, Sản phẩm công nghiệp từ bột ngũ cốc và mạch nha, Rau tươi/tách nước và các loại đậu khô, Gia vị có nguồn gốc tự nhiên, Quả hạch và hạt, Trái cây khô, Cà phê và ca cao chưa rang, Thực phẩm đặc biệt (không bao gồm sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh), Thực phẩm chức năng, Sữa, Thủy sản, Trái cây đông lạnh. (2) 13 nhóm thông thường bao gồm: Rau và sản phẩm từ rau (không tính rau tươi hoặc tách nước), Sản phẩm từ ngũ cốc, Chè, Sản phẩm từ quả hạch và hạt, Đồ uống có cồn, Đồ uống và đồ uống đông lạnh, Bánh quy, bánh ngọt và bánh mỳ, Đường, Đồ ngọt và sô-cô-la, Gia vị đã qua chế biến, Cà phê và ca cao đã rang, Sản phẩm từ trái cây, Các loại thực phẩm khác.

Thứ sáu: Tích cực chủ động bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường hoàn thiện các chính sách, trí tuệ, trong đó có công tác quản lý đăng ký nhãn hiệu và chủ trương quy định và công tác thực thi pháp luật để bảo vệ bản quyền, sở hữu xử lý nghiêm các trường hợp điển hình đăng ký nhãn hiệu với mục đích xấu. Ngày 29 tháng 3 năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc ban hành “Thông báo về việc tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi đăng ký nhãn hiệu với mục đích xấu”,” trong đó Khoản 5 Mục 1 của Thông báo nêu rõ: “Tập trung xử lý các hành vi vi phạm pháp luật điền hình, nhằm mưu lợi bất chính, làm loạn trật tự đăng ký nhãn hiệu, trong đó có việc số lượng đăng ký vượt quá nhu cầu hoạt động kinh doanh thông thường, thiếu mục đích sử dụng chính đáng”. Theo đó, để tránh gặp phải tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ hoặc thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam cần: (1) Chủ động rà soát và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu của doanh nghiệp mình tại các thị trường nước ngoài quan trọng để phòng tránh rủi ro bị chiếm đoạt mất quyền sở hữu; (2) Khi phát hiện quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu của doanh nghiệp bị đăng ký tại thị trường nước ngoài, cần nhanh chóng nghiên cứu các quy định luật pháp liên quan của nước sở tại, thuê luật sư chuyên nghiệp thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ đó dựa trên một số tiêu chuẩn bảo hộ mang tính quốc tế hóa.

Thứ bẩy: Cần nắm bắt và tìm hiểu chính xác các thông tin về đối tác Trung Quốc trong hợp tác, giao thương. Doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo hoặc bị gian lận trong quá trình hợp tác làm ăn với Trung Quốc đã sảy ra nhiều, hình thức lừa đảo, gian lận cũng rất đa dạng, trong đó phổ biến là hiện tượng chiếm đoạt tiền đặt cọc, nhận tiền nhưng không giao hàng, giao hàng không đúng theo hợp đồng v.v. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác trước khi hợp tác có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ trên. Đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam trước khi tiến hành giao dịch với đối tắc Trung Quốc hoặc hợp tác kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần lưu ý các điểm sau:

- Đề nghị đối tác cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy tờ chứng minh sự tồn tại, pháp nhân của đối tác theo luật pháp Trung Quốc; các giấy tờ này tốt nhất cần được hợp pháp hóa lãnh sự với sự chứng nhận của cơ quan chức năng và ngoại giao hai nước Việt – Trung.

- Liên hệ với hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ và Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc; xác minh năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức Internet;

- Mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc cần thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp đượcthống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước cũng nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các mặt hàng mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm thực phẩm, nông sản, thủy sản, v.v. Do đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về kiểm nghiệm, kiểm dịch và an toàn thực phẩm.

Thứ tám: Doanh nghiệp nên quan tâm đến việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), mẫu E khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mục đích của C/O là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về xuất nhập khẩu của cả hai nước. Yếu tố quan trọng nhất là C/O hợp lệ sẽ được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu (có thể chênh lệch vài phần trăm đến vài chục phần trăm so với nhập khẩu không ưu đãi). Vì vậy, khi làm thủ tục hải quan cho các lô hàng có khai kèm C/O, cần hết sức lưu ý để tránh những lỗi không đáng có (về Mẫu của C/O, dấu, chữ ký, các thông tin liên quan đến hàng hóa, v.v.). Với chủ hàng xuất khẩu, việc xin C/O được thực hiện theo quy định trong hợp 

275 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21792217
Lượt truy cập