Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Lục Ngạn tăng cường kết nối tiêu thụ vải thiều  

Ngày 31/5, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), thương nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều và các ngành dịch vụ phụ trợ liên quan. Dự và phát biểu tại buổi gặp mặt có các đồng chí: Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy; La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành tỉnh; đại diện các DN, HTX, doanh nhân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Thông tin tại buổi gặp mặt lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho biết,  dự báo sản lượng quả vải tươi toàn huyện đạt khoảng 95,5 nghìn tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 21 nghìn tấn, còn lại là chính vụ. Thời điểm này nông dân bắt đầu thu hoạch vải thiều sớm và có 3 thương nhân Trung Quốc đến huyện thu mua.Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện sớm tổ chức các đoàn công tác tìm hiểu tình hình xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ; đồng thời có văn bản, thư ngỏ gửi các khu công nghiệp, các cơ quan, đơn vị, DN đề nghị hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. 

Ngạn và một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), thương nhân thu mua vải thiều.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2022.

Đặc biệt, qua các kênh, đến nay huyện đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ hơn 45 nghìn tấn vải thiều, trong đó xuất khẩu hơn 25 nghìn tấn. Để hỗ trợ các DN, HTX, thương nhân đến thu mua, tiêu thụ, chế biến vải thiều, địa phương cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Thảo luận tại buổi gặp mặt , đại diện một số DN, thương nhân nêu, do tác động của giá xăng dầu nên việc vận chuyển vải thiều tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam khó khăn, chi phí lớn, cao hơn nhiều so với những năm trước. Do đó, đề nghị hỗ trợ, mở rộng thông quan tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, giảm quãng đường đi. Theo ông Jiang Hui Tong, thương nhân Trung Quốc nhiều năm thu mua vải thiều tại Lục Ngạn, hiện nhu cầu tiêu dùng vải thiều tại thị trường nước này lớn. Những ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày ông Jiang Hui Tong thu mua, đưa 10 công ten nơ (khoảng 120 tấn) lên các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên do thông quan khó khăn nên mỗi ngày chỉ đưa được 3 công ten nơ sang, còn lại nằm tại cửa khẩu, có xe phải 3-4 ngày mới thông quan. Để tạo thuận lợi, ông mong muốn UBND tỉnh làm việc với Hải quan Trung Quốc để ưu tiên vải thiều thông quan bởi nếu kéo dài không chỉ tăng chi phí cho DN thu mua mà còn ảnh hưởng đến chất lượng quả.

 

Một số ý kiến của Doanh nghiệp cũng đề nghị ngành chức năng cần khuyến cáo, yêu cầu người dân vặt lá, bó túm đúng quy chuẩn, tránh tình trạng phải quay đầu khi đưa sang thị trường Trung Quốc; lực lượng công an bố trí, duy trì đủ lực lượng để phân luồng, điều tiết giao thông nhằm giảm thời gian vận chuyển tiêu thụ. Quan tâm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ đưa máy sấy bằng điện vào sử dụng, đồng thời có chính sách hỗ trợ giá điện.

Về mở rộng tiêu thụ nội địa, đại diện HTX Nông nghiệp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện hỗ trợ kết nối với các siêu thị lớn, DN chế biến để tăng lượng tiêu thụ cho người dân. Cùng đó, địa phương quan tâm hỗ trợ các HTX chuyển đổi đất vườn sang xây dựng kho, xưởng bảo quản, chế biến.

Bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc Siêu thị GO! Bắc Giang nêu, hiện các DN, HTX mới đưa vải thiều vào siêu thị dưới dạng đóng gói thô nên khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, các DN, HTX cần tính toán, đóng gói với nhiều mức khối lượng khác nhau và vận chuyển bằng xe lạnh để giữ mã cũng như chất lượng sản phẩm.

Trao đổi một số nội dung liên quan, đại diện Sở Công Thương cho biết, ngành đã làm việc, kết nối với hệ thống các siêu thị cũng như chợ đầu mối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Đối với xuất khẩu, hiện vải thiều đang ở vị trí ưu tiên số 1 tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Thời điểm hiện tại, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đang cho phép mỗi ngày 30 công ten nơ thông quan. Tới đây, ngành sẽ làm việc nhằm tăng lượng phương tiện qua đây trong ngày khi vào chính vụ. Để giảm áp lực tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, DN, HTX cần quan tâm, chuyển hàng hóa qua cửa khẩu khác tại các tỉnh Quảng Ninh và Hà Giang.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời điểm này mưa nhiều nên nguy cơ dịch bệnh trên vải thiều tăng. Do đó huyện chủ động phối hợp với ngành để tăng cường phòng, chống dịch, khuyến cáo người dân trong điều kiện bắt buộc mới sử dụng thuốc, trong đó ưu tiên thuốc sinh học, tự chế; tăng cường tuyên truyền tuân thủ nghiêm quy cách sản xuất, đóng gói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Lục Ngạn trong kết nối tiêu thụ vải thiều. 

Đồng chí đề nghị huyện Lục Ngạn tiếp thu ý kiến, phối hợp với các sở, ngành tỉnh kịp thời tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho DN, HTX, thương nhân; thực hiện tốt các biện pháp giữ vững “Vùng vải sạch, an toàn dịch bệnh, không bị tác động Covid-19” với chất lượng vượt trội, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Về thị trường tiêu thụ, đồng chí đề nghị địa phương tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến, đa dạng hóa thị trường nội địa cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia trên nền tảng online, mạng xã hội... và coi đây là thị trường trọng điểm.

Đối với thị trường Trung Quốc, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu các thương nhân, lái xe thực hiện đúng hướng dẫn của ban quản lý các cửa khẩu. UBND huyện phối hợp với Tổ công tác tại các cửa khẩu cung cấp thông tin về số lượng hàng hóa, lượng xe hàng ngày để điều tiết xe lên cửa khẩu hợp lý, tránh ùn tắc.

Đồng chí đề nghị các cơ quan liên quan, huyện Lục Ngạn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, DN, HTX, thương nhân trong, ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. 

Chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất: Vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác. 

Về thông quan tại các cửa khẩu, đồng chí khẳng định UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương có cửa khẩu tạo điều kiện tốt nhất để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc; làm việc với các hãng hàng không để hỗ trợ giá cước vận chuyển. Huyện Lục Ngạn rà soát, nắm chắc vướng mắc về xuất nhập cảnh của thương nhân, bảo đảm đón được nhiều thương nhân nhất sang thu mua vải thiều.

Nhân dịp này, đồng chí đề nghị các DN, thương nhân tích cực khảo sát, kết nối, ký kết hợp đồng liên kết với các DN, HTX, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu vải thiều Lục Ngạn. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Lục Ngạn về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để tháo gỡ, giải quyết kịp thời. 

Các cơ quan truyền thông, báo chí T.Ư, địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn" đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất cho người trồng vải Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

 Hải Yến

Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang

 

                                                                                      
276 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21793204
Lượt truy cập